Kỹ năng #12: Khả năng lãnh đạo truyền cảm hứng

7 phẩm chất của lãnh đạo truyền cảm hứng:

– Luôn cam kết theo giá trị cốt lõi: lãnh đạo truyền cảm hứng là người nhận thức về bản thân rất tốt, hiểu rõ mục đích sống, giá trị cốt lõi của mình, và thực hiện tất cả mọi thứ trong đời đều dựa trên mục đích và giá trị đó. Họ không bao giờ cho phép bản thân thoả hiệp để đổi chác lấy bất kỳ điều gì dù rất có lợi trong đời. Điều này đôi khi gây ra khó khăn cho họ trên hành trình lãnh đạo nhưng họ đề cao giá trị đạo đức của bản thân và không bao giờ đầu hàng. Họ đại diện cho giá trị mà họ đã lựa chọn và bảo vệ giá trị đó bằng mọi giá.

Câu hỏi phản tư: Bạn đại diện cho điều gì? Cho giá trị gì? Và bạn đã bao giờ thoả hiệp với giá trị của mình chưa?

– Đầu tư phát triển bản thân: vì biết bản thân luôn giới hạn và luôn cần học hỏi thêm, phát triển hơn, lãnh đạo truyền cảm hứng là những người cực kỳ đầu tư vào việc phát triển bản thân. Họ xem đó như là việc cần làm mỗi ngày, xem nó như một việc không thể bỏ qua, và luôn dành thời gian cho việc đó dù bản thân có bận rộn đến cỡ nào. Họ luôn đang học một cái gì đó mới một cách chủ động, và học bằng nhiều cách, nhiều kênh, và kết hợp nhiều môn khác nhau để tạo kết nối và góc nhìn mới, tư duy mới.

Câu hỏi phản tư: Bạn có đang học chủ động và có đang theo đuổi một khoá học hay môn học nào đó? Bạn có sắp xếp thời gian để học mỗi ngày?

– Là chính mình: lãnh đạo truyền cảm hứng là những người hiểu rõ bản thân mình là độc bản, và tất cả mọi người đều đặc biệt như thế cả. Cho nên, họ không việc gì phải cố gắng làm người khác mà hết sức tự nhiên, thoải mái là chính mình. Chính vì vậy, họ rất minh bạch và dễ chia sẻ về trải nghiệm thành công thất bại, được mất của cá nhân. Điều đó giúp họ trở nên cực kỳ dễ gần, dễ chia sẻ, dễ kết nối với mọi người. Và vì họ là chính mình, họ tạo sự thoải mái cho mọi người được là chính họ.

Câu hỏi phản tư: Bạn có là chính mình khi đến công sở? Hay bạn đang cố gắng tạo ra hình ảnh về một người nào đó khác tại nơi làm việc? Nếu vậy, tại sao?

– Là chuyên gia về giao tiếp: lãnh đạo truyền cảm hứng là người có khả năng giao tiếp, truyền thông bậc thầy. Họ biết cách sử dụng ngôn từ, ngôn ngữ hình thể, hành động để tạo dựng cảm xúc, kết nối. Họ giỏi giao tiếp trên mọi kênh, từ đối thoại, viết, diễn thuyết, đàm phán, đến giải quyết mâu thuẫn, xung đột, vv. Họ thể hiện mọi cung bậc cảm xúc một cách tự nhiên, thoải mái. Họ mang theo bên người một nguồn năng lượng tích cực và ảnh hưởng. Chỉ cần sự xuất hiện của họ thôi là mọi thứ dường như nhẹ nhàng, vui vẻ, dễ dàng hơn.

Câu hỏi phản tư: Bạn giao tiếp tốt trong trường hợp nào? rên kênh nào? Bạn nghĩ mình cần phải phát triển hay cải tiến những cách hay kênh giao tiếp nào?

– Khuyến khích đoàn kết nội bộ: lãnh đạo truyền cảm hứng hiểu rằng muốn đạt được thành công cần sự cộng tác của nhiều người, của cả team. Họ cũng hiểu rõ team của mình mạnh yếu ở đâu, cần làm gì để team mạnh hơn, và cần dẫn dắt team như thế nào để tất cả hướng về một mục tiêu chung. Do đó, họ rất tập trung xây dựng tính đoàn kết trong nội bộ, trong team, trong tổ chức để tận dụng được sức mạnh cộng hưởng của team.

Câu hỏi phản tư: Bạn có khuyến khích sự đoàn kết trong team? Có khi nào bạn đã làm gì đó để gây chia rẽ trong team?

– Luôn mở cửa và đón nhận tất cả mọi người: lãnh đạo truyền cảm hứng là người bao dung, quan tâm và nghĩ cho người khác. Vì thế, họ đối xử không phân biệt, luôn biết rõ thế mạnh và giới hạn của mỗi người. Họ công bằng trong việc trao cơ hội, minh bạch trong quan hệ, và thưởng phạt công minh. Họ cùng team làm việc, cùng team thành công, ghi nhận đóng góp của từng người, luôn đứng sau khi nói về lợi ích và luôn đứng trước khi chịu trách nhiệm.

Câu hỏi phản tư: Bạn hay nghĩ cho mình trước hay nghĩ cho team trước?

– Dám chấp nhận rủi ro: lãnh đạo truyền cảm hứng không biết sợ. Họ thích cái mới, thích thử nghiệm, thích thử thách, và luôn xông pha dấn thân vào những dự án mới. Họ chấp nhận rủi ro của sự bất định một cách có tính toán và luôn khuyến khích mọi người cùng dấn thân học hỏi, thử nghiệm liên tục. Chính vì vậy, họ luôn đi đầu, thành công ngoài mong đợi, thực hiện những dự án tiên phong trong lĩnh vực của mình.

5 điều bạn có thể rèn luyện để trở thành lãnh đạo truyền cảm hứng:

  1. Lead by example – Trở thành tấm gương cho người khác: ai có thể truyền cảm hứng cho người khác khi bản thân không phải là ví dụ điển hình. Do đó, nếu bạn muốn người khác làm gì, bạn phải là người đầu tiên làm tốt nhất việc đó. Đừng nói. Hãy hành động.
  2. Build positive relationships – Xây dựng quan hệ tích cực với người xung quanh: không có lãnh đạo nào sống một mình trong vỏ ốc. Họ bước ra, kết nối và giao tiếp với mọi người. Họ mang năng lượng tích cực của mình trao cho người khác một cách hào phóng. Họ cam kết làm gì đó để ảnh hưởng tích cực lên người khác mỗi ngày. Cho nên, bạn cần chủ động bước ra và xây dựng quan hệ tích cực đó trong và ngoài tổ chức.
  3. Mentor & grow leaders – Cố vấn & phát triển lãnh đạo: lãnh đạo truyền cảm hứng là người kiến tạo nên những lãnh đạo mới. Họ biết cách chọn và phát triển những hạt giống tiếp nối để giúp họ tạo ra ảnh hưởng to lớn và tích cực hơn. Họ cũng hào phóng chia sẻ trải nghiệm của bản thân và dành thời gian để phát triển thế hệ tiếp nối. Bạn có đang làm như thế?
  4. Listen to others – Lắng nghe người khác: lãnh đạo truyền cảm hứng lắng nghe rất chủ động và tích cực. Do đó, họ hiểu rõ và đúng vấn đề, làm cho người khác cảm thấy được tôn trọng và quan tâm. Họ trở thành người mà người khác luôn tin tưởng, đi theo, hành động theo như một tấm gương. Bạn có biết lắng nghe chủ động?
  5. Appreciate & be grateful to others – Luôn biết ơn và cám ơn người khác: không có phần thưởng nào to lớn hơn khi được ai đó ghi nhận, cám ơn. Lãnh đạo truyền cảm hứng luôn nhận thức hành động của mọi người xung quanh, luôn ghi nhận, cám ơn và bày tỏ lòng biết ơn của mình một cách chân thành, tự nhiên, công khai, làm cho tất cả mọi người cảm thấy được quan tâm và quý trọng. Bạn có ghi nhận người khác? Bạn có hay cám ơn khi ai đó giúp mình?

ref: nguyenphivan

Leave a comment